Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

TRÊN CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

01/10/14 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su
Mt 18,1-5
 "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.    (Mt 18,3)
Suy niệm: Ngày 19/10/1997 trong thánh lễ tôn phong thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu làm tiến sĩ Hội Thánh, Đức Gioan-Phaolô II đã khẳng định: “Thánh nữ Tê-rê-xa đã đề ra một con đường nên thánh dành cho tất cả mọi người. Đường nên thánh ấy không hệ tại thi hành những công trình vĩ đại, nhưng là con đường tín thác và hoàn toàn phó thác cho ơn thánh Chúa. Con đường đơn sơ ấy không thiếu những đòi hỏi, vì Tin Mừng đề ra nhiều yêu sách; nhưng lòng tin tưởng phó thác nơi lòng từ bi của Chúa khiến cho những cam go trở thành êm ái dịu dàng.” Thánh nữ đã trở nên một vị thánh lớn bằng cách sống như một trẻ nhỏ: hoàn toàn yêu mến, phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, được bày tỏ cụ thể qua những công việc đơn sơ, bình dị mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con muốn thốt lên như thánh Tê-rê-xa: “Lạy Chúa Giê-su Tình Yêu của con, con đã tìm ra ơn gọi của con: ơn gọi của con chính là tình yêu.” Amen.



Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

THẬP GIÁ CHIẾN THẮNG SỰ ÁC

30/09/14 THỨ BA TUẦN 26 TN
Th. Giê-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ HT
Lc 9,51-56
Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem.
                                                                                                    (Lc 9,51)
Suy niệm: Con người đang sống trong một thế giới bất ổn, sự ác đang thắng thế với những mối đe doạ chiến tranh nổi lên khắp nơi: cuộc chiến ở dải Ga-da không có dấu hiệu kết thúc, khủng hoảng ở Ukraina như quả bom nguyên tử hẹn giờ, những cuộc khủng bố của phe Hồi giáo cực đoan ngày càng diễn ra một cách dã man, ghê rợn, sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đe doạ nổ ra một cuộc chiến toàn cầu…. Bằng một thái độ đầy ý thức và quả quyết, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem cũng trong bối cảnh sự ác đang hoành hành, chế ngự: Gio-an Tẩy giả bị sát hại, các thượng tế, biệt phái và phe Hê-rô-đê cấu kết với nhau để tìm cách tiêu diệt Chúa Giê-su. Thế nhưng chương trình Chúa Cha đã hoạch định phải được thực thi vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được” (Lc 13,33). Khi lên Giê-ru-sa-lem Chúa Giê-su quyết tử chiến với tội ác qua con đường thập giá trong sự phó thác vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chính nhờ thế, cuối cùng Ngài đã chiến thắng sự ác và cả sự chết.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

TỰ DO ĐỂ THI HÀNH Ý CHA

28/09/14 CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN – A
Mt 21,28-32
Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho". Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi.  (Mt 21,28-30)
Suy niệm: Con người có thể trả lời không với Thiên Chúa. May thay con người còn có khả năng thay đổi ý kiến. Nhờ đó, con người luôn luôn có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. Nhưng đó cũng là một khả năng thật đáng ngại. Bởi vì người ta có thể thưa: “Vâng, con sẽ đi làm vườn nho cho Cha” nhưng rồi lại không đi. Không phải chỉ một lần đồng ý với Chúa trong bí tích Rửa tội là đã nắm chắc chìa khoá vào Nước Trời. Phải có thái độ sẵn sàng hoán cải – thưa “có” thay vì nói “không” với Chúa. Điểm thứ hai còn quan trọng hơn: Nói “có” mà thôi chưa đủ, còn phải lên đường thi hành ý muốn của Cha với thái độ tự do vâng phục của người con thảo. Vì không phải những ai nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời, mà chỉ những người thi hành ý Chúa mới được vào thôi.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.


Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

CHỌN THẬP GIÁ CHÚA KI-TÔ

27/09/14 THỨ BẢY TUẦN 25 TN
Th. Vinh-sơn Phao-lô, linh mục
Lc 9,43-45
Ðức Giêsu làm, Người nói với các môn đệ: "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỷ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời". (Lc 9,44)
Suy niệm: Thi hào Nguyễn Du khi nhận định về số phận nghiệt ngã của nhân vật Thuý Kiều trong tác phẩm của mình đã kết luận: cô như bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” nên cứ “tìm những lối đoạn trường mà đi”. Trên đời này chẳng ai chọn mang cái khổ vào thân. Nhưng “đời vốn là bể khổ,” con người “chạy trời không khỏi nắng” nên phải cam chịu mang lấy “kiếp nạn” ấy mà thôi. Vì thế cũng dễ hiểu tại sao các môn đệ Chúa Giê-su không hiểu lời Ngài nói: “Con Người sắp bị nộp”. Chúa tự nguyện vác khổ giá vì vâng phục ý Chúa Cha; Ngài đã biến khổ giá thành phương thế cứu độ nhân loại. Ngài cho các môn đệ biết chương trình hành động của Ngài để mời gọi họ cũng bước theo Ngài dám đón nhận thập giá để cộng tác vào công trình cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con yêu mến đến mức say mê Thánh Giá Chúa, để con dám vác thập giá mình đi theo Chúa.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

26/09/14 THỨ SÁU TUẦN 25 TN
Th. Cót-ma và Đa-mi-a-nô, tử đạo                                   
Lc 9,18-22
"Ðám đông nói Thầy là ai?"Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại". Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phêrô thưa: "Thấy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa".     (Lc 9,19-20)
Suy niệm: "Anh em bảo Thầy là ai?”  Đây là câu hỏi hệ trọng đến cuộc đời  mỗi người, không chỉ ở đời này mà còn đời sau, được Chúa Giê-su đặt ra cho mọi người. Đây là câu hỏi đòi buộc tất cả phải trả lời. Câu trả lời không chỉ đến từ những kiến thức trong sách vở, mà còn phải đến từ kinh nghiệm đức tin cá nhân của mỗi người. Nếu trả lời câu hỏi này chỉ từ những vốn liếng kiến thức, thì chúng ta lạc đề, vì câu trả lời từ kiến thức dành cho câu hỏi “Người ta bảo Thầy là ai?” chứ không phải “Anh em bảo Thầy là ai?” Chỉ khi trả lời câu hỏi “Chúa là ai?” bằng kinh nghiệm đức tin của Giáo Hội và của mình, chúng ta mới sống đức tin vững mạnh, có thể giúp người khác hiểu biết Chúa Giê-su, và thờ phụng Ngài. Công cuộc tân Phúc Âm hóa đòi buộc ta làm mới lại đức tin của mình cũng vì lý do truyền giáo ấy. Do đó, rất cần các Ki-tô hữu dành thời gian cầu nguyện mật thiết với Chúa, hầu được biết Chúa Giê-su, và có thể loan báo Chúa cho mọi người.

Cầu nguyện: Đọc kinh Các thánh tử đạo Việt Nam.

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

ÔNG NÀY LÀ AI?

25/09/14 THỨ NĂM TUẦN 25 TN
Lc 9,7-9
Còn vua Hêrôđê thì nói: "Ông Gioan, ta đây đã cho chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?" Rồi vua tìm cách thấy mặt Ðức Giêsu.
                                                                                                                (Lc 9,9)
Suy niệm: Tư tưởng và hành động của Chúa Giê-su khiến cho người đương thời phải đặt câu hỏi: Ngài là ai? Trải qua các thời đại và cho đến hôm nay, người ta vẫn không ngừng tìm hiểu về Ngài, bởi vì con người và cuộc sống Giê-su luôn là một mầu nhiệm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là: “Giờ này, đối với tôi, Đức Ki-tô là ai?” Dư luận thế gian và người đời giới thiệu nhiều câu trả lời khác nhau, theo quan điểm và cảm nhận chủ quan của từng người, từng nhóm. Thế nhưng Đức Ki-tô không là thế, không như người ta và tôi nghĩ tưởng, Ngài vẫn là một, “hôm qua, hom nay và cho đến muôn đời.” Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất cho trần gian. Như vậy, chỉ nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, tôi mới có thể đạt đến sự hiểu biết đích thực về Ngài – đó là chân lý vẹn toàn do Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, không ai có thể khám phá khuôn mặt Chúa thay con được, chính con phải tự khám phá trong suốt cả cuộc đời. Xin ban cho con đôi mắt trong sáng để nhận ra Chúa mọi nơi mọi lúc; đôi tai mở rộng để lắng nghe tiếng Chúa gọi mời. Xin cho người khác cũng nhận ra bóng dáng Chúa đáng yêu nơi cuộc đời con. Amen.

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

NGƯỜI TÔNG ĐỒ SIÊU THOÁT

24/09/14 THỨ TƯ TUẦN 25 TN
Lc 9,1-6
Ðức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và từ đó mà ra đi.Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ". Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.(Lc 9,1-6)
Cầu nguyện: Chỉ mong Ngài lấy đi, mong chẳng còn gì thuộc về con, … Để con được trắng tay, con chỉ còn Ngài để giữ lấy, con được chọn Chúa mãi là của con.    (Lm. Quang Uy, ý thơ R. Tagore).


Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

LOAN BÁO TIN MỪNG CÁCH NÀO?

22/09/14 THỨ HAI TUẦN 25 TN
Lc 8,16-18
 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. (Lc 8,18)
Suy niệm: Rất nhiều lần tai chúng ta nghe lời hiệu triệu: Hãy truyền giáo, hãy loan báo Tin Mừng! Tuy nhiên, mười năm gần đây, số người Công giáo Việt nam không tăng bao nhiêu, vẫn chiếm khoảng 7% dân số; đối với một số giáo phận như Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế... tỉ lệ ấy còn thấp hơn nữa. Đành rằng hiệu quả của việc loan báo Tin mừng không chỉ được đánh giá dựa trên những con số, nhưng ta vẫn phải suy nghĩ, đặt vấn đề: làm sao đây? Lời Chúa trong bài Tin Mừng soi sáng cho chúng ta cách thức truyền giáo tinh tế hơn: “Hãy để ý tới cách thức anh em nghe”. Thật vậy, khi kể về bốn mẫu người lắng nghe Lời Chúa, Chúa Giê-su nhấn mạnh chỉ những người là mảnh đất tốt, tức là chăm chú lắng nghe, yêu mến Lời Chúa, thì mới sinh hoa kết quả. Nếu thực tâm lắng nghe, suy niệm và nỗ lực sống Lời Chúa, thì đời sống ta tựa như ngọn đèn cháy sáng, sẽ có sức chiếu tỏa cho người khác, đập vào mắt họ, khiến họ phải đặt câu hỏi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con cách thức lắng nghe Lời Chúa, vì khi con đọc và suy niệm Lời Chúa, con không chỉ được nghe Chúa dạy, nhưng con còn gặp được chính Chúa. Gặp Chúa và rao truyền danh Chúa là sứ mạng cả cuộc đời con. Amen.


Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

THUÊ VÀ THƯƠNG

21/09/14 CHÚA NHẬT TUẦN 25 TN – A
Mt 20,1-16a
 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. (15) Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?" (Mt 20,14-15)
Suy niệm: Ông chủ trong dụ ngôn xử sự công bình với những người được thuê làm vườn nho: trả một đồng quan như thói quen thời ấy; ông cũng đối xử hào phóng khiến các kẻ làm công ghen tị vì ông có lòng “thương” cách khác thường. Ghen tức khi thấy người khác hơn mình là chuyện thường tình của thói đời. Qua ông chủ vườn nho - hình ảnh của Thiên Chúa - Chúa Giê-su dạy ta bài học của đạo trời mà Ngài mang đến: bài học của việc xử sự công bình và bài học của tình thương không so đo tính toán như thói đời. Nếu chỉ công bình mà thôi thì chúng ta không thể lãnh nhận được ân huệ nào của Thiên Chúa vì ta không xứng đáng. Những gì ta lãnh nhận đều do lòng nhân lành Thiên Chúa ban cho.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được tình Chúa thương yêu, để con có thể xử sự với Chúa bằng một tình yêu chân thành, không nhuốm màu vụ lợi. Amen.


Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

HẠT GIỐNG RƠI VÀO BỤI GAI

20/09/14 THỨ BẢY TUẦN 24 TN
Th. An-rê Kim, Phao-lô Chung và các bạn tử đạo        
Lc 8,4-15
Hạt giống rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. 
Suy niệm: Họa sĩ Van Gogh nói rằng: “Cuộc đời là thời gian gieo trồng, chứ chưa phải là mùa gặt hái”. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy Thiên Chúa, được ví như người gieo giống, đã gieo cách kiên trì, rộng rãi đến độ hoang phí các hạt giống Lời Chúa. Hôm nay chúng ta nói đến thân phận của hạt giống rơi vào bụi gai, tiêu biểu cho thái độ đón nhận Lời Chúa thường gặp nơi chúng ta. Bụi gai tượng trưng cho nỗi bận tâm về chuyện đời, về ham mê của cải, công ăn việc làm khiến cho cây Lời Chúa chết nghẹt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, dù Chúa biết rằng tâm hồn chúng con luôn thay đổi: có lúc như vệ đường, như sỏi đá, như bụi gai, hoặc có khi như đất tốt, nhưng Chúa vẫn luôn kiên trì gieo Lời hằng sống của Chúa vào tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con cũng biết kiên trì cải tạo thửa đất tâm hồn. Amen.



Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

NOI GƯƠNG CÁC NỮ MÔN ĐỆ

19/09/14 THỨ SÁU TUẦN 24 TN
Th. Gia-nu-a-ri-ô, giám mục, tử đạo
Lc 8,1-3
 Sau đó, Ðức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Ðó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Ðức Giêsu và các môn đệ. (Lc 8,1-3)
Suy niệm: Tin Mừng thánh Lu-ca hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su đi khắp các thành phố, làng mạc để loan báo Tin Mừng Nước Trời. Bên cạnh Nhóm Mười Hai thân tín là nhóm phụ nữ đi theo phụ giúp Ngài. Các phụ nữ này là ai vậy? Thưa, họ là những người được Chúa chữa lành bệnh tật, cứu khỏi nanh vuốt của ma quỷ; họ cảm nghiệm quyền năng kỳ diệu cùng với tấm lòng nhân hậu của Ngài. Họ vui vẻ bỏ mọi sự đi theo Chúa, quảng đại trợ giúp Ngài và Nhóm Mười Hai bằng tài sản của mình. Trong thời gian cùng theo Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng, các nữ tông đồ ấy đã học được rất nhiều từ con người, trái tim Ngài, giúp họ thêm nhiệt thành, hăng say,  và yêu mến Ngài hơn nữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chấp nhận cho các phụ nữ thuở xưa đi theo Chúa. Họ đã được Chúa thánh hoá và thay đổi cuộc đời. Xin cho chúng con cũng biết thay đổi bản thân, trở thành tông đồ nhiệt thành trong môi trường mình đang sống. Amen.


Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

GIỌT LỆ THỐNG HỐI

18/09/14 THỨ NĂM TUẦN 24 TN
Lc 7,36-50
Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chí lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.(Lc 7,38)
Suy niệm: Một hành động thú tội can đảm, một hành vi sám hối chân thành, và một cử chỉ đền tội tế nhị: Đó là những gì người phụ nữ tội lỗi ấy đã bày tỏ cùng Thầy Giê-su, Đấng mà chị tin rằng biết rõ cuộc đời đen tối của chị. Do đó, chị không màng ánh mắt dò xét, lời xầm xì khó chịu của những người xung quanh, chỉ lẳng lặng đứng đằng sau Chúa Giê-su mà khóc. Tiếng khóc trên môi miệng cùng với những giọt nước mắt tưới ướt chân Chúa là bằng chứng hùng hồn của một trái tim đau đớn, hối hận vì quá khứ lầm lỡ. Chính vì thế, Chúa Giê-su tha thứ cho chị, một tội nhân đã bày tỏ lòng yêu mến Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin tưởng nơi Chúa. Con tin ở lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa gia tăng trong con tình yêu mến Chúa, để con có thể mạnh dạn bày tỏ tâm hồn con cho Chúa. Nhờ đó, con được Chúa xót thương tha thứ những lỗi lầm con đã trót phạm. Amen.

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

KHI ĐỨC TIN THIẾU NỀN TẢNG

17/09/14 THỨ TƯ TUẦN 24 TN
Th. Rô-be-tô Be-la-mi-nô, giám mục, tiến sĩ HT            
Lc 7,31-35
Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai?  Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ  (Lc 7,31-32)
Suy niệm: Chúa Giê-su trách người Do Thái đương thời cố chấp, ngoan cố, tìm mọi lý lẽ để không chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Dù thông hiểu Kinh Thánh và chứng kiến những điều kỳ diệu Chúa Giê-su đã thực hiện như lời Kinh Thánh ấy tiên báo, nhưng họ vẫn khước từ tin nhận Ngài. Họ mang “lăng kính” của mình để hiểu Kinh Thánh, không muốn kết nối với những gì đang xảy ra trong thực tế. Không lạ gì Chúa Giê-su đã ví họ giống như đứa trẻ hư, luôn đòi hỏi những đứa trẻ khác phải theo ý mình một cách vô lý. Gio-an Tẩy Giả sống khắc khổ, họ cho rằng bị quỷ ám! Dấn thân với vui buồn sướng khổ của con người như Chúa Giê-su bị họ mỉa mai là phóng túng! Luôn dựa vào ý muốn riêng của mình hơn là dựa vào thực tế khách quan khiến họ không đến được với Chúa Kitô để nhận ơn cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết dẹp bỏ ý riêng của mình, để con biết hoà điệu cùng với toàn thể Giáo Hội bằng chính đời sống tràn đầy yêu thương của chúng con. Amen.


Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

CHẠNH LÒNG NƯỚC MẮT CỦA MẸ

16/09/14 THỨ BA TUẦN 24 TN
Th. Co-nê-li-ô, giáo hoàng và Xíp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo
Lc 7,11-17
Khi Ðức Giêsu đến gần cửa thành, thì kìa người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có đám rất đông người trong thành cùng đi với bà.Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa!"   (Lc 7,12-13)
Suy niệm: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”, thế nên nỗi đau của người mẹ khi đứa con yêu dấu của mình mất đi lại càng mênh mông hơn biết mấy. Đức Giê-su là Thiên Chúa Tình Yêu, sao lại không thể chạnh lòng thương xót trước nỗi đau lớn lao người mẹ làng Na-in này! Lời Chúa Giê-su nói: “Bà đừng khóc nữa” và việc Ngài cho người thanh niên sống lại, rồi “trao anh ta lại cho người mẹ” là dấu chỉ tình yêu vô biên của Thiên Chúa và hơn nữa còn tiên báo Ngài chính là Người Con duy nhất của Thiên Chúa sẽ được Chúa cho sống lại và trao cho Mẹ Giáo Hội để mãi mãi ở lại với con người chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con được đánh động bởi lòng thương xót Chúa, bởi nước mắt của mẹ Giáo Hội, để con có lòng ăn năn tội thực sự.



Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

ĐI TRONG ÁNH SÁNG

12/09/14 THỨ SÁU TUẦN 23 TN
Thánh Danh Đức Ma-ri-a                                                   
Lc 6,39-42
Ðức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dặt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? (Lc 6,39)
Suy niệm: Ngày nay trong hầu hết các lĩnh vực người ta đều nhờ đến các chuyên viên tư vấn. Nếu không được những người này cập nhật thông tin, đề nghị giải  pháp, người ta rất dễ đưa ra quyết định sai lầm hay các phương án lỗi thời, kém hiệu quả. Ai muốn đến với Thiên Chúa, muốn được sống trong chân lý và ơn cứu rỗi rất cần được Giáo Hội dẫn dắt dưới ánh sáng Lời Chúa. Nếu họ tự mình mò mẫm hay nhờ cậy những người dẫn đường sai lạc, thì như Chúa nói, mù dẫn mù, cả hai sẽ sa xuống hố mà thôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa, ánh sáng phá tan bóng tối trong con và đòi buộc con hoán cải. Xin cho con đừng cố chấp ở trong bóng tối chỉ vì chút tự ái cỏn con. Xin cho con khiêm tốn để đón nhận những tia sáng nhỏ mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày. Cuối cùng xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý để Chân lý cho con được tự do.


Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

CẢM NẾM HẠNH PHÚC HÔM NAY

10/09/14 THỨ TƯ TUẦN 23 TN
Lc 6,20-26
 "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
"Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.  (Lc 6,21)
Suy niệm: “Hạnh phúc là hành trình, chứ không phải điểm đến; hạnh phúc được tìm thấy trên đường đi, chứ không phải ở cuối đường, bởi vì lúc đó hành trình chấm dứt và đã quá muộn màng” (P. Dunn). Hạnh phúc Đức Giê-su loan báo trong Bài Giảng Trên Núi không phải là chuyện tương lai xa xôi, nhưng đang hiện diện trong hiện tại; chẳng phải là điều người Ki-tô hữu sẽ cảm nếm, nhưng là thực tại họ đang vui hưởng. Qua các mối phúc, Đức Giê-su nói cho ta biết rằng được làm con cái Thiên Chúa, có Ngài là Chúa, là bạn, là Thầy trong hành trình cuộc đời là niềm vui to lớn, hạnh phúc lớn lao cho ta. Càng nỗ lực sống trong tinh thần khó nghèo, khiêm tốn, thương xót, xây dựng hòa bình... ta càng hạnh phúc, vì lúc đó đã trở nên giống Ngài hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ. Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu, để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất. Xin làm cho con thật mạnh mẽ, để không nỗi thất vọng nào còn chạm được tới con. Amen.


CHÚA CHỌN CỘNG SỰ VIÊN

09/09/14 THỨ BA TUẦN 23 TN
Th. Phê-rô Cla-ve, linh mục                                              
Lc 6,12-19
Trong những ngày ấy, Ðức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ðến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Ðồ.  (Lc 6,12-13)
Suy niệm: Chúa Giê-su không muốn một mình rao giảng Tin Mừng, nhưng muốn có các cộng sự viên cùng hợp tác với mình. Chọn các tông đồ là điều quan trọng, việc sống còn để tiếp tục công trình cứu độ trên trần gian trong kế hoạch của Chúa Cha. Vì lẽ đó, Chúa đã cầu nguyện suốt đêm trước ngày chọn các tông đồ. Vị Thiên-Chúa-làm-người đã phải thức suốt đêm cầu nguyện cho thấy ưu tư lớn lao của Ngài trong việc chọn các cộng sự viên, cũng như tầm quan trọng của việc loan báo Tin Mừng. Chọn lựa chính xác, loại bỏ những suy đoán đầy cảm tính, thiên vị, là điều không dễ dàng chút nào, đòi hỏi sự can đảm, mạo hiểm và cả đến sự từ bỏ ý riêng cũng như những toan tính vụ lợi về sau. Cầu nguyện sẽ giúp ta nhận ra ý muốn của Thiên Chúa để thi hành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi con cầu nguyện để chọn lựa điều gì, thì xin cho con chọn điều Chúa muốn chứ không phải điều con muốn. Amen.

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

CHÚA CHỌN CỘNG SỰ VIÊN

09/09/14 THỨ BA TUẦN 23 TN
Th. Phê-rô Cla-ve, linh mục                                              
Lc 6,12-19
Trong những ngày ấy, Ðức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ðến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Ðồ.  (Lc 6,12-13)
Suy niệm: Chúa Giê-su không muốn một mình rao giảng Tin Mừng, nhưng muốn có các cộng sự viên cùng hợp tác với mình. Chọn các tông đồ là điều quan trọng, việc sống còn để tiếp tục công trình cứu độ trên trần gian trong kế hoạch của Chúa Cha. Vì lẽ đó, Chúa đã cầu nguyện suốt đêm trước ngày chọn các tông đồ. Vị Thiên-Chúa-làm-người đã phải thức suốt đêm cầu nguyện cho thấy ưu tư lớn lao của Ngài trong việc chọn các cộng sự viên, cũng như tầm quan trọng của việc loan báo Tin Mừng. Chọn lựa chính xác, loại bỏ những suy đoán đầy cảm tính, thiên vị, là điều không dễ dàng chút nào, đòi hỏi sự can đảm, mạo hiểm và cả đến sự từ bỏ ý riêng cũng như những toan tính vụ lợi về sau. Cầu nguyện sẽ giúp ta nhận ra ý muốn của Thiên Chúa để thi hành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi con cầu nguyện để chọn lựa điều gì, thì xin cho con chọn điều Chúa muốn chứ không phải điều con muốn. Amen.

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

TA LÀ ĐOÀN CON THIÊN CHÚA

08/09/14 THỨ HAI TUẦN 23 TN
Sinh nhật Đức Mẹ
Mt 1,1-16.18-23
 Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Ða-vít, là mười bốn đời; từ vua Ða-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Ðức Kitô, cũng là mười bốn đời.  (Mt 1,17)
Suy niệm: Nhờ còn giữ được gia phả, một gia đình người Hàn Quốc đã tìm được nguồn gốc của mình là nhà Lý ở Việt Nam. Họ hãnh diện về dòng dõi hoàng gia của họ. Thánh Kinh vẫn dùng từ “gia phả” để chỉ tính liên đới của nhiều người thuộc nhiều thế hệ phát sinh từ một gia đình, một nguồn cội. Khi thuật lại gia phả Đức Giêsu, Thánh Kinh muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa loài người từ thời A-đam đến Chúa Ki-tô. Nếu vì liên đới với A-đam và chịu hậu quả bởi tội của A-đam, thì nay, trong Đức Ki-tô, dòng dõi con người cho đến ngày tận thế được ban phúc trở nên dòng dõi các kẻ tin, dòng dõi được Chúa chọn. Hiểu như thế, Mẹ Ma-ri-a không khỏi vui mừng hân hoan, vì Mẹ được thuộc về dòng dõi Đức Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã tái sinh và cho con trở nên con của Cha trong bí tích Thánh Tẩy. Xin cho con biết hãnh diện tuyên xưng Cha trọn cả cuộc đời của con.


Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

SỬA LỖI ANH EM

07/09/14 CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN – A
Mt 18,15-20
 "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình.
(Mt 18,15)
Suy niệm: Theo định nghĩa của từ điển Việt Nam, sửa là chữa cho ngay, cho đúng, cho hết hư; sửa lỗi là chữa lại những chữ sai hoặc việc làm sai. Cộng đoàn đức tin là cộng đoàn quan tâm nâng đỡ những thành viên “bé mọn”, đức tin chưa vững vàng, qua việc sửa lỗi. Đức Giêsu đề nghị ba bước sửa lỗi: (1) đối thoại riêng tư: “một mình anh với nó mà thôi;” (2) đối thoại cùng với nhân chứng: “đem theo một hay hai người nữa;” và (3) đưa ra cộng đoàn: “hãy đi thưa Hội Thánh.” Động lực thúc đẩy ta tiệm tiến, tinh tế, kiên trì thực hiện ba bước ấy là tinh thần yêu mến, thương xót, tha thứ lẫn nhau của Tin Mừng.  Mục tiêu của việc sửa lỗi huynh đệ là đưa người anh em trở về, tái hòa nhập vào đời sống cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con biết con người mình đầy những giới hạn và tội lỗi. Xin cho con có lòng khoan dung và cảm thông với những giới hạn của anh chị em con. Amen.


Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014


CỨU TRỢ KHẨN CẤP
06/09/14 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 6,1-5
Vua vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi".    (Lc 6,4)
Suy niệm: Có lẽ chưa bao giờ cụm từ “thảm họa nhân đạo” được sử dụng nhiều như trong thời gian qua, bởi vì những thiên tai như bão lụt, động đất hoặc “nhân tai” như các cuộc giao tranh đã đẩy nhiều người vào cảnh màn trời chiếu đất, cuộc sống hết sưc bấp bênh. Dù tiếng súng chưa yên, thiên tai còn hoành hành, nhưng từng đoàn cứu trợ đã bất chấp tất cả để lên đường. Vì thế, chẳng có lý do nào, kể cả lý do “ngày Sa-bát” hay “bánh tiến chỉ dành cho tư tế” ngăn cản chúng ta không cấp thời cứu giúp những con người đang đối điện với nguy cơ sinh tử. Tinh thần bác ái Ki-tô giáo càng thúc đẩy ta quảng đại hơn nữa, không nại lý do “luật lệ” nào, để cứu những người đang gặp nguy hiểm cả phần xác lẫn phần hồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chính vì yêu thương nhân loại sa ngã, mà Chúa đã xuống thế để gánh lấy tội lỗi trần gian. Xin cho mỗi người chúng con cũng đừng nại bất kỳ lý do gì để không rộng tay cứu giúp anh chị em con đang gặp khốn khó. Amen.



Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

SỐNG ĐẠO CÁCH PHÙ HỢP

05/09/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,33-39
Ðức Giêsu còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: "Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với cũ.     (Lc 5,36)
Suy niệm: Thật điên rồ khi làm hỏng một chiếc áo mới mà không ‘cứu’ được chiếc áo cũ. Mất cả chì lẫn chài! Xem chừng không làm gì cả lại tốt hơn. Chúa dạy về hành động phù hợp, đúng đắn. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đang tha thiết mời gọi Hội Thánh phải sống và làm sứ mạng sao cho phù hợp với hoàn cảnh thế giới và con người ngày nay. Ngài kêu gọi một cuộc hoán cải mục vụ và canh tân sứ mạng: “Trên đường lữ hành, Hội Thánh được Chúa Kitô mời gọi canh tân luôn mãi, một sự canh tân mà Hội Thánh, vì là một định chế nhân trần, bao giờ cũng cần đến” (Niềm Vui Tin Mừng, 26). Ngài nhận định rằng thái độ nhắm mắt lặp lại mọi sự y như cũ là thái độ tự mãn, và ngài “kêu mời mọi người mạnh dạn và sáng tạo trong việc suy xét lại các mục tiêu, cơ cấu, phong cách và phương pháp thi hành sứ mạng tại các cộng đoàn của mình” (số 33). Đức Thánh Cha nhấn mạnh nguyên tắc của cuộc canh tân là nêu bật cho được điều cốt yếu, tức tâm điểm của Tin Mừng, qua đó làm “tỏa sáng vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô” (số 36).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết sống sao cho đúng với danh nghĩa do ơn gọi Phép Rửa của mình là men, muối và ánh sáng cho đời. Amen.


Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

TỪ KINH NGẠC HƯỚNG ĐẾN SỰ VÔ TẬN

04/09/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,1-11
Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Ðức Giêsu bảo ông Simôn: "Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá.  (Lc 5,10)
Suy niệm: Một trong những đặc tính cho thấy quyền năng Thiên Chúa là sự đa dạng, phong phú của vạn vật, sự hoành tráng, hùng vĩ của thiên nhiên. Nếu sự hiện hữu của mỗi tạo vật đã cho thấy sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, thì con số hàng tỉ tỉ của chúng lại càng là lời công bố sự hiện hữu ấy cách mạnh mẽ hơn biết mấy. Kinh ngạc trước mẻ cá vĩ đại vừa bắt được, ông Si-mon nhìn nhận giới hạn nhỏ bé của mình: “Xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi!” Tuy nhiên, quyền năng của Thiên Chúa được bày tỏ không phải để lấn át hay đẩy con người vào trong giới hạn nhỏ bé của mình. Trái lại, quyền năng ấy mở rộng tầm nhìn của con người, đưa con người lên tầm cao mới, đến sự vô tận vốn là khát vọng thâm sâu của mình: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta!”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho trái tim con niềm vui ơn cứu độ để con chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người chung quanh. Amen.



Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

TRUYỀN GIÁO: ƠN GỌI VÀ BỔN PHẬN CỦA KITÔ HỮU

TRUYỀN GIÁO: ƠN GỌI VÀ BỔN PHẬN CỦA KITÔ HỮU
03/09/14 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Th. Grê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT                     
Lc 4,38-44
Nhưng Người nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó". (Lc4,43)
Suy niệm: Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Ki-tô, một thân thể với nhịp đập của trái tim là việc truyền giáo. Một thân thể bình thường sẽ như thế nào nếu không có nhịp đập của quả tim; cũng vậy, Thân Thể Mầu Nhiệm là Giáo Hội sẽ chết nếu không truyền giáo. Sứ mạng truyền giáo ấy đã được  Chúa Cha giao phó cho Chúa Giê-su và luôn nung nấu lòng Ngài trong mọi hoàn cảnh: “Tôi phải loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa.” Chúa Giê-su lại trao sứ mạng truyền giáo cao quý ấy cho Giáo Hội và trở thành bản chất của Giáo Hội. Là thành viên của Giáo Hội, mỗi Ki-tô hữu đều có bổn phận truyền giáo với cung cách truyền giáo riêng của mình. Trong nền văn hoá tiêu thụ thực dụng hiện nay, người ta có xu hướng đáng sợ là mải mê tìm kiếm tiện nghi vật chất, hưởng thụ... mà quên ơn gọi và sứ mạng giúp những người lân cận nhận biết Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con yêu mến truyền giáo, để mỗi sớm mai thức dậy, con có được niềm vui mới, niềm vui được Chúa thương chọn và sai đến với những con người con gặp gỡ, giúp họ tìm gặp được Chúa và yêu mến Chúa như đã được Chúa yêu. Amen.