Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

NGƯỜI MẸ QUYỀN LỰC NHẤT



01/01/15 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN BÁT NHẬT GS
Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa
Lc 2,16-21
Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 
                                                                                                        (Lc 2,19)
Suy niệm: Mỗi năm các tạp chí danh tiếng trên thế giới lại chọn những nhân vật quyền lực nhất trong năm qua. Trong số 72 nhân vật của năm 2014, ta nhận thấy đa số là các nguyên thủ các cường quốc, các tổng giám đốc điều hành những tập đoàn lớn, các tỷ phú. Năm nay (2014), Đức giáo hoàng Phanxicô được xếp thứ tư trong số các nhân vật danh giá ấy. Ngày đầu năm mới, Hội Thánh long trọng mừng kính Đức Maria như nhân vật quyền lực, ảnh hưởng nhất với người Kitô hữu trong năm mới cũng như mọi năm. Người mẹ Đức Giêsu được gọi là Mẹ Thiên Chúa, một tước hiệu quá cao quý, vượt quá mọi trí óc siêu phàm nào. Thế nhưng, người Mẹ Thiên Chúa ấy lại ảnh hưởng đến ta trong tư thế của một nữ tỳ của Thiên Chúa: mau mắn, vui vẻ vâng lời Thiên Chúa, và suy đi nghĩ lại về chương trình của Thiên Chúa để làm theo ý Ngài.
Cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con quả tim của Mẹ: quả tim xinh đẹp, tinh tuyền, không tì vết. Quả tim tràn đầy tình yêu và khiêm tốn ấy giúp con có thể đón nhận Chúa Giêsu trong Bánh Sự Sống, yêu mến và phục vụ Ngài nơi người nghèo” (Mẹ Têrêxa).


Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

CÚI MÌNH Sự NHậP THể

31/12/14 thứ tư trong tuần bát nhật gs
Th. Xin-ve-tê I, giáo hoàng
Ga 1,1-18
Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.   (Ga  1,14)
Suy niệm: Tin Đức Giê-su, con người lịch sử bằng xương bằng thịt, lại là Thiên Chúa thật đồng nghĩa với việc ta phải chấp nhận những kết luận rất ư là khác thường. Chẳng hạn như Đấng Tạo Hóa chấp nhận thân phận làm tạo vật, đại dương rộng lớn đựng vừa khít trong một chiếc thùng; cả bầu trời bao la nằm gọn trong một vũng nước nhỏ; mặt trời được nhìn qua một lỗ kim. Một đàng, Thiên Chúa là Đấng cao cả, quyền năng, ngàn trùng chí thánh; đàng khác, Ngài lại chấp nhận làm người, gần gũi, thân thiết với con người. Thiên Chúa, Đấng không ai biết được, cũng chẳng ai có thể mon men đến gần được, nay tự làm cho mình được con người biết đến và đụng chạm được qua Đức Giê-su. “Người cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật”: quả thật, đại dương bao la đựng vừa khít trong một chiếc thùng (theo cha S. O'Flynn, O.F.M.).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã yêu thương xuống thế làm người với chúng con. Xin cho chúng con luôn sống trong tâm tình cảm tạ này.

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

NHÀ TRUYỀN GIÁO ĐÍCH THỰC

30/12/14 THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Lc 2,36-40
Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ gặp ngày Thiên Chúa cứu chuôc Giêrusalem. (Lc 2,38)
Suy niệm: “Hãy nói về Chúa cho những người quanh bạn nghe; và hãy nói về những người quanh bạn cho Chúa nghe”. Đó là khuôn vàng thước ngọc của việc truyền giáo của Giáo Hội. Bà An-na trong đoạn Phúc Âm hôm nay là người đã thực hiện vai trò truyền giáo của mình một cách thiết thực bằng chính cuộc sống của mình: bà đã can đảm chấp nhận một cuộc sống nghèo nàn, đơn sơ trong chay tịnh và cầu nguyện để trông chờ Đấng Cứu Thế. Chắc chắn trong suốt thời gian sống ẩn dật, bà đã “nói với Chúa” rất nhiều về con người trong thời đại đó và về nỗi khát khao ơn cứu độ của họ. Được Chúa thương cho diện kiến Vị Cứu Tinh và được đụng chạm đến Người, bà đã không giữ lại cho riêng mình nhưng ngay lập tức “nói về Chúa”, công bố tình thương Chúa cho mọi người. Qua đó, sứ mạng của nhà truyền giáo được thực hiện một cách trọn vẹn, đầy đủ, đầy lòng tin và sự nhiệt thành. Bà An-na là mẫu mực cho mọi Ki-tô hữu trong cuộc sống và hành động trong việc loan truyền Lời Chúa.

Cầu nguyện: Xin cho con biết nói với Chúa về mọi người và được ơn thúc bách nói cho mọi người biết về Chúa, trong mọi hoàn cảnh, và bằng những cách thức thuyết phục nhất để Danh Chúa được loan truyền. Amen.

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

GIA ĐÌNH LÀ GIÁO HỘI NHỎ














28/12/14 CHÚA NHẬT TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS – B
Lễ Thánh Gia
Lc 2,22-40
 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa   (Lc 2,22)
Suy niệm: Gia đình như một Giáo Hội thu nhỏ. Ở đó, cha mẹ và con cái sống bí tích Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc trao ban tình yêu cho nhau, cùng nhau sống đức tin và giáo dục con cái. Cùng với các gia đình khác làm thành Giáo Hội lớn và là những tế bào làm nên xã hội. Tuy nhiên, hiện nay gia đình đang gặp nhiều thử thách trong “sự trung thành của tình yêu vợ chồng, sự sa sút niềm tin và dửng dưng với những giá trị đích thực” (Trích Sứ điệp của THĐ Giám Mục về Gia Đình 2014). Chiêm ngắm tấm gương đời sống Thánh Gia, sẽ cho các gia đình hiểu được sự hy sinh vì tình yêu cho nhau, cùng nhau vượt qua những thử thách để trung thành trong đời sống đức tin và đời sống xã hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đến và ở lại trong gia đình chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương Thánh gia, biết sống tình yêu cho nhau, sống đức tin và giáo dục con cái như Chúa hằng mong ước. Amen.

VỊ TÔNG ĐỒ CỦA TÌNH YÊU







27/12/14 THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Gio-an, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng
Ga 20,2-8
Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Ðức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.  (Ga  20,4-8)
Suy niệm: Người ta không chạy khi người ta có thể nhẩn nha bước đi. Người ta chỉ chạy khi có một áp lực từ bên ngoài hay từ bên trong mình. Nghĩa là, người ta chỉ chạy khi người ta cảm thấy cần phải… chạy! Có phải vì Gio-an trẻ khoẻ hơn Phê-rô mà ông chạy mau hơn đến mộ của Thầy không? Chưa chắc. Cứ xem Gio-an nhường cho Phê-rô bước vào mộ trước, ta sẽ thấy người môn đệ trẻ này vẫn còn ý tứ giữ lễ ‘kính trên nhường dưới’ đó chứ. Thế tại sao Gio-an đã chạy mau hơn, dù chỉ là để ‘đến trước vào sau’? Hẳn là vì trong lòng Gio-an có một sức thúc giục rất mạnh. Gio-an thấy cần phải chạy thật nhanh, để xem thực hư thế nào về chuyện mộ thầy trống rỗng. Sức thúc giục ấy chính là tình yêu. Gio-an yêu mến Thầy tha thiết, vì Gioan biết mình là “người môn đệ Chúa yêu.”
Cầu nguyện: Xin đốt nóng trong con ngọn lửa Tình Yêu của Chúa. Amen.



Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

TÁC ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN



26/12/14 THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Tê-pha-nô, tử đạo tiên khởi
Mt 10,17-22
 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì: (20) thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Chúa Cha nói trong anh em.
        (Mt 10,19-20)
Suy niệm: Tử đạo là lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ nhất vào Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Thánh Tê-pha-nô đã có đức tin và tình yêu như thế, đến mức tận dụng những giờ phút tại pháp trường để rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa. Làm thế nào thánh Tê-pha-nô có đủ can đảm chấp nhận cuộc tử đạo? Ai giúp cho ngài? Chính là Chúa Thánh Thần, Đấng tuôn đổ trên ngài tràn đầy “Thần Khí và khôn ngoan” (Cv 6,3). Chúa Thánh Thần đã ngự đến trên các Tông Đồ với hình lưỡi lửa, cũng ngự đến trên Tê-pha-nô các tông đồ cầu nguyện và đặt tay trên ông (Cv 6,6). Chúa Thánh Thần đến với Tê-pha-nô cũng là Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, Đấng đã thúc đẩy Tê-pha-nô nhiệt tình loan báo về Thiên Chúa trong cơn khốn khó. Cũng chính Chúa Thánh Thần thúc giục Ki-tô hữu ngày hôm nay trung thành với đức tin, không phải bán thời gian, nhưng là toàn thời gian.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa đã đến với Mẹ Ma-ri-a và Mẹ cất cao lời ngợi khen Chúa. Chúa cũng đến trên thánh Tê-pha-nô, khiến ngài cũng cất lời loan báo về Chúa Giê-su. Nay xin Chúa đến với chúng con, biến đổi chúng.


Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

NÀO TA ĐI!

25/12/14 THỨ NĂM ĐẠI LỄ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH
Lc 2,15-20
 Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.
 Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết". Họ liền hối hả ra đi. Ðến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. (Lc 2,14-20)
Suy niệm: Người đời thường chủ trương: an cư lạc nghiệp. Vì thế họ làm tất cả những gì có thể, để đạt mục tiêu đó. Tin Mừng Giáng Sinh hôm nay nhắc nhở chúng ta về một hướng sống khác: Sự an lạc đích thực đòi hỏi người ta trước tiên phải “đi ra” khỏi chính mình. Đức Ki-tô muốn đem lại sự an lạc cho nhân loại, đã “đi ra” khỏi địa vị Con Thiên Chúa của mình, để đến “cắm lều” giữa chúng ta (x. Ga 1,14), hiểu theo đúng nghĩa đen là ở trong hang dành cho chiên cừu trú ngụ. Để đón nhận được ơn “an lạc” Chúa hứa cho những người thiện tâm (Lc 2,14), các mục đồng cũng rủ nhau đi ra khỏi nơi trú ngụ an toàn của họ để đến “xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho biết”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Nhi, cảm tạ Chúa đã ra đi và đến với chúng con. Xin giúp con thực hiện tốt tiến trình này. Amen.



NIỀM VUI ĐƯỢC “VẦNG ĐÔNG VIẾNG THĂM”

24/12/14 THỨ TƯ TUẦN 4 MV
Lc 1,67-79
Thiên Chúa ta đầy lòng trắn ẩn,cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta.
 Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tốivà trong bóng tối tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".  (Lc 1,78-79) 
Suy niệm: Bài Thánh ca “Chúc tụng” Benedictus mở đầu bằng lời “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en” là một bài Thánh ca tuyệt đẹp, đầy ắp những hình ảnh Thánh Kinh và lời ngôn sứ trong Cựu Ước, được đặt vào miệng ông Da-ca-ri-a, thực sự là một lời ngôn sứ vừa đúc kết lại cả một lịch sử ơn cứu độ, vừa chuyển tiếp báo tin sự xuất hiện của “Vị Cứu Tinh quyền thế”, của “Vầng Đông tự chốn cao vời đến viếng thăm.” Bài Thánh ca làm dậy lên niềm vui và hy vọng của những ai cảm nghiệm mình có Chúa, được cứu độ, được tự do và bình an.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là “Vầng Đông từ chốn cao vời đến viếng thăm” con, xin dẫn con “đi trên nẻo đường bình an” để con luôn “sống thánh thiện công chính trước nhan Chúa”.



Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

“THỤT LÙI” MỖI NGÀY

22/12/14 THỨ HAI TUẦN 4 MV
Lc 1,46-56
Phận nữ tỳ hèn mọn,Người đoái thương nhìn tới;từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.  (Lc 1,48)
Suy niệm: Trong xã hội cạnh tranh hiện nay, từ ngữ “thụt lùi” thường được dùng để diễn đạt ý tiêu cực, thua kém, chậm tiến. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không phải cứ nhắm mắt lao về phía trước là mau đạt hiệu quả, thành công. Trái lại cần phải có những “bước lùi” để nhìn lại mình, để nhìn thấy con đường phía trước rộng hơn, để điều chỉnh đường đi, để đổi mới cuộc sống. Thật vậy, chính nhờ thao tác ‘thụt lùi’ mà Đức Mẹ đã nhìn rõ vị trí của Mẹ là “phận nữ tỳ hèn mọn.” Không những thế, Mẹ còn nhìn thấy cả một lịch sử của dân tộc Mẹ: “Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người.” Nhưng trên hết, Mẹ thấy bàn tay của Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử đó, không chỉ trong quá khứ, mà còn hiện tại và tương lai nữa: “vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.” Như thế, nơi sự ‘thụt lùi’ nơi Mẹ, chúng ta không thấy đó sự thua kém. Nhưng nhờ đó, Mẹ ‘đã nhảy mừng hớn hở trong lòng’ và đã kết dệt bài ca Magnificat, ngợi khen Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Hát bài “Linh hồn tôi tung hô Chúa…” để cùng với Mẹ, ngợi khen Thiên Chúa.



Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

GẶP GỠ-TRAO ĐỔI-ƯNG THUẬN

21/12/14 CHÚA NHẬT TUẦN 4 MV – B
Lc 1,26-38
Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét,  gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.  (Lc 1,26-27)
Suy niệm: Việc gặp gỡ chàng Kim Trọng làm cho nàng Thúy Kiều phân vân: “trăm năm biết có duyên gì hay không?” Cuộc gặp gỡ sứ thần Gáp-ri-en cũng khiến cô thiếu nữ thành Na-da-rét có đôi chút bối rối về cách thức thực hiện cuộc “tình duyên” muôn đời của Thiên Chúa với con người. Rồi cuối cùng sứ thần cũng nghe được tiếng “xin vâng” từ người thiếu nữ này. Đức Maria được sứ thần chào bằng một danh xưng đặc biệt "Đấng đầy ân sủng" vì được Thiên Chúa đổ đầy ân sủng trên con người của Mẹ. Sau tiếng "xin vâng," "Đấng đầy ân sủng" ấy sẽ sinh ra Đức Giê-su, Đấng là nguồn-mạch-mọi-ân-sủng. Noi gương Đức Ma-ri-a, ta cũng dám liều lĩnh đáp lại tiếng xin vâng, tin tưởng và cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp con biết noi gương Mẹ nói lời “Xin vâng” trước lời mời gọi của Chúa, trong niềm hy vọng, cậy trông nơi Chúa. 

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

CON NGƯỜI BẤT LỰC NHƯNG THIÊN CHÚA QUYỀN NĂNG

19/12/14 THỨ SÁU TUẦN 3 MV
Lc 1,5-25
Nhưng họ lại không có con, vì bà Elisabét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên. (Lc 1,7)
Suy niệm: Hai ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét quả là một cặp vợ chồng gương mẫu: họ sống “công chính trước mặt Thiên Chúa;” còn trước mặt mọi người thì “không ai chê trách điều gì” và chắc hẳn được mọi người thương mến (x. Lc 1,57-58). Thế nhưng điều đáng buồn là “họ lại không có con”. Có lẽ hai ông bà đã tìm đủ mọi phương thế, nhưng sự son sẻ vẫn đeo đẳng mà họ thì đã cao niên. Nỗi đau thầm kín của bà Ê-li-sa-bét khi những năm tháng tuổi thanh xuân lần lượt trôi đi, những bước chân trĩu nặng của ông tư tế già Da-ca-ri-a trước những con mắt soi bói của người đời như xác nhận rằng sự hiếm muộn là dấu chỉ Gia-vê trừng phạt một tội lỗi nào đó của họ. Nhưng trước cái tưởng chừng như bất lực và vô vọng của con người, Thiên Chúa có chương trình riêng của Ngài, đã làm cho ông bà sinh hoa trái trong tuổi về chiều già nua. Một con trẻ làm cho nhiều người được hỉ hoan, một con trẻ đầy tràn thần khí và quyền năng của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, lắm lúc con đã ngã lòng, mọi hy vọng tưởng như đã lụn tắt. Xin cho con luôn kiên định cậy trông nơi tình thương của Ngài.

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

CON THIÊN CHÚA, TRONG CÙNG GIA PHẢ VỚI CON NGƯỜI

17/12/14 thứ tƯ TUẦN 3 MV
Mt 1,1-17
 Ðây là gia phả Ðức Giêsu Kitô, con cháu vua Ða-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:
(Mt 1,1)
Suy niệm: Năm 2008 khi cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ đang diễn ra sôi nổi, các ứng viên được dư luận săm soi kỹ lưỡng về tông chi họ hàng. Đặc biệt ứng viên Obama, sau đó  là tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, gốc gác tổ tiên của ông ở Kenya thế nào đều được công khai trên các phương tiện truyền thông. Chúa Giêsu cũng được đưa ra “trình làng” như một người con trong đại gia đình nhân loại bằng một bản gia phả. Gia phả ấy không chỉ gồm ba, bốn thế hệ mà ngược lên đến tận tổ phụ Áp-ra-ham, cho thấy Chúa Giê-su là người kế tục và hoàn tất giao ước Thiên Chúa ký kết với con người qua Áp-ra-ham. Gia phả ấy kể lại Ngài thuộc dòng dõi hoàng gia, nhưng cũng không che dấu những vết nhơ. Điều đó có nghĩa là Ngài tự nhận mình là bà con thân thuộc với cả những tội nhân, để đền bù muôn tội lỗi và phục hồi quyền thừa kế chức vị tư tế hoàng vương cho toàn thể nhân loại là anh em của Ngài.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.


Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

LỜI CẢNH CÁO GÂY “SỐC”

16/12/14 THỨ BA TUẦN 3 MV
Mt 21,28-32
 "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.   (Mt 21,31)
   Suy niệm: Với tuyên bố “cực sốc” này, Chúa Giê-su quyết liệt cảnh cáo các thượng tế và các kỳ mục vào thời của Ngài. Sau hai ngàn năm, lời cảnh cáo này vẫn còn nguyên các hàm ý của chúng, ấy là Nước Thiên Chúa dành cho những ai thành tâm thống hối, sống công chính, bình an, và hoan lạc trong Thánh Thần (Rm 14,17). Hôm nay Chúa Giê-su cũng vừa nhìn mỗi người chúng mình, vừa nói rõ từng lời trên của Ngài trong bối cảnh xã hội hôm nay: “Tôi bảo thật, những quan chức thuế vụ, những cảnh sát giao thông chuyên ăn hối lộ, những gái đứng đường, những má mì, bọn đầu trộm đuôi cướp... sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông các bà!” Vì sao? Bởi họ đã biết thống hối và từ bỏ những việc làm bất chính, những áp bức bất công. Nay họ sống công bằng, tuân theo tiếng lương tâm và vui sống trong sự thật dù thiếu thốn tiền của hơn. Lời cảnh cáo của Chúa không phải để loại trừ ai, nhưng nhắc nhở chúng ta nỗ lực sửa đổi đời sống hằng ngày cho xứng danh công dân Nước Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Ăn năn tội.”


Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

CHỮA BỆNH “GATO”

15/12/14 THỨ HAI TUẦN 3 MV
Mt 21,23-27
Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?"Ðức Giêsu đáp: "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?" Họ mới nghĩ thầm: "Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy?"Còn nếu mình nói: "Do người ta", thì lại sợ đám đông, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ".  Họ mới trả lời Ðức Giêsu: "Chúng tôi không biết". Người cũng nói với họ: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy".    (Mt 21,23-27)
Suy niệm: Có một căn bệnh xã hội nguy hiểm đang lây lan với mức độ báo động mà giới trẻ ngày nay gọi là bệnh “gato”, bệnh “ghen ăn tức ở”. Người mắc bệnh này mỗi khi thấy ai trổi vượt hơn mình thì trong bụng họ nổi lên một “cục tức”; thế là họ ra sức bới lông tìm vết “đối thủ” và tung hê mọi thứ thông tin, bất kể đúng sai, lên các phương tiện truyền thông, miễn sao hạ bệ được “người nổi tiếng”. Căn bệnh ấy ngay từ thời Chúa Giê-su, các thượng tế và kỳ mục đã mắc phải. Quả thế, khi Chúa Giê-su đuổi người buôn bán trong đền thờ, họ bực tức và hạch sách Chúa: “Ông lấy quyền gì mà làm điều đó?” Muốn chữa tận căn chứng bệnh này phải điều trị từ trong nhận thức. Đó là lý do tại sao Chúa đặt câu hỏi: Phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Có nhận thức rằng mọi quyền bính và mọi điều tốt đẹp là bởi Chúa mà ra thì mới trừ được chứng ghen tương đố kỵ ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.” Chúng con nguyện sống yêu thương để có thể đem Chúa đến với mọi người.


Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

NGƯỜI LÀM CHỨNG TRUNG THỰC

14/12/14 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – B
Ga 1,6-8.19-28
Ông nói:Tôi là tiếng người hô trong hoang địa:Hãy sửa đường cho thẳng để Ðức Chúa đi,
  ( Ga 1,23)
Suy niệm: Gio-an Tiền Hô, người kêu gọi “sửa đường cho thẳng,” cũng là người làm chứng trung thực. Dân chúng tin lời Gio-an tuốn đến lãnh nhận phép rửa từ tay ông vì lối sống của ông tương hợp với lời ông rao giảng. Với thế giá đó, nếu Gio-an mạo nhận mình là Đấng Ki-tô hẳn là người ta tin vào ông răm rắp. Nhưng Gio-an vẫn luôn nói thật về mình. Ông là gì, ông nhận mình là thế. Ông nhận mình là “tiếng” người hô trong hoang địa. “Tiếng” chỉ là âm thanh để chuyển đạt nội dung là “Lời”. Càng chuyển đạt “Lời” cách trọn vẹn, chính xác, “tiếng” càng trung thực. Như thế, Gio-an càng xoá mình đi để Đức Ki-tô được lớn lên, lời chứng của ông càng trung thực và càng đáng tin hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con một gương mẫu về chứng nhân trung thực của Đức Giê-su là thánh Gio-an Tiền Hô. Xin cho chúng con biết noi gương bắt chước ngài mà làm chứng cho Đức Giê-su bằng đời sống trung thực của mình.



CHÚA ĐẾN, NHƯNG…

13/12/14 THỨ BẢY TUẦN 2 MV
Th. Lu-xi-a, trinh nữ, tử đạo
Mt 17,10-13
Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế".  (Mt  17,12)
Suy niệm: Các môn đệ loáng thoáng nhận ra sự thực về Thầy trong vinh quang của biến cố Hiển Dung, họ thắc mắc tại sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước! Thật vậy, dầu thông thạo Kinh Thánh, các kinh sư đã không nhận ra vai trò của Gio-an Tẩy Giả, vì họ chờ một gương mặt khác, theo trí tưởng tượng của họ. Khi giáp mặt, hai bên đã trở nên xa lạ, và Gio-an Tẩy Giả đã bị xử theo như ý họ muốn. Với Chúa Giê-su cũng vậy, người Do Thái chờ một Đấng Ki-tô đến trong uy linh, với binh hùng tướng mạnh để giải thoát họ khỏi những bế tắc chính trị. Một Đấng Ki-tô bé nhỏ, khiêm nhường, và đau khổ xa lạ với họ biết bao! Và đôi khi, với chính chúng ta, có phải hình ảnh một Thiên Chúa vĩ đại vẫn hấp dẫn chúng ta hơn là một vị Thiên Chúa bé nhỏ, nghèo hèn, hạ mình vâng phục cho đến chết?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tỉnh thức và nhìn ra rằng Chúa đang đến trong mỗi việc con làm, trong mỗi người con gặp ngày hôm nay.

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

NHẬN BIẾT CHÚA

12/12/14 THỨ SÁU TUẦN 2 MV
Đức Mẹ Gua-đa-lu-pê
Mt 11,16-19
 "Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói:
"Tụi tôi thổi sáo cho các anh,mà các anh không nhảy múa;tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không đấm ngực khóc than".
 Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám". Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi". Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động".
     (Mt 11,16-19)
Suy niệm: Chúa Giê-su đã chỉ ra hai việc phải làm để chiếm hữu sự sống vĩnh cửu: “Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Người Do thái đương thời với Chúa Giêsu (và cho đến nay) chỉ làm việc thứ nhất: nhận biết Cha, còn việc thứ hai, họ không tin và thậm chí còn công kích, loại trừ Chúa Giê-su. Họ yêu cầu Chúa phải hành xử theo ý họ giống như hai nhóm trẻ chơi với nhau, nhóm này thổi sáo thì bắt nhóm kia phải múa nhảy để thành trò chơi đám cưới; hay nhóm này thổi kèm bắt nhóm kia phải khóc lóc cho ra trò chơi đám ma.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Dưới ánh sáng Lời Chúa, con nhận ra được những ân huệ cao quí Chúa ban cho con. Con muốn làm những người bé nhỏ khiêm nhường, luôn đặt niềm tin nơi Chúa và sẵn sàng sống theo những gì Chúa dạy dỗ chúng con. Xin cho con ơn trung thành theo Chúa và làm chứng cho tình yêu Chúa cho anh em.

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Kết thúc tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời

WGPSG -- Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã qua đời, vì cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩa lành thánh.
“Chúng ta hãy dâng Thánh lễ này và các việc lành khác để cầu nguyện cho các tín hữu, các thân nhân, ân nhân của chúng ta ở nơi đây đã ra đi trước chúng ta. Xin Chúa rộng lòng thương tất cả các linh hồn, và xin cho các linh hồn sớm được hưởng nhan Thánh Chúa. Hằng năm, đến (hai nghĩa trang của hai giáo xứ gần bên nhau).
Dâng Thánh lễ đồng tế hôm nay có 07 cha: cha chánh xứ và cha phụ tá giáo xứ Thánh Phaolô, cha chánh xứ và cha phụ tá giáo xứ Bình Chánh, và 03 cha khách. Tham dự Thánh lễ có quý thầy, quý soeur và trên 600 giáo dân.
Tuy đường xá xa xôi, từ nhà thờ Thánh Phaolô xuống tới nghĩa trang giáo xứ gần 20 cây số nhưng với 03 chiếc xe buýt chở đầy người và hơn 200 chiếc xe hai bánh, cùng nhau tề tựu về nghĩa trang giáo xứ để dâng Thánh lễ.
Một quang cảnh thật cảm động. Đây cũng là ngày tết của các đẳng linh hồn, những người đang nằm trong các ngôi mộ, được chăm chút hoa nến, hương khói tỏa lên nghi ngút. Những người xuống đây đứng tại nơi mộ thân nhân của mình trong ánh hoàng hôn từ từ lắng xuống, màn đêm hiện về lung linh tỏa ánh sáng từ những ngọn nến trên các nấm mộ.
Cha chánh xứ Phaolô chia sẻ: Nơi đây cũng giống như ở phi trường đưa tiễn người ra đi, đủ đau buồn, đủ hạnh phúc, nói với người thân của chúng ta những lời nói sau cùng, những lời nói tiễn biệt, chúng ta chúc người thân yêu của chúng ta hưởng hồng ân của Chúa Giêsu qua cái chết của Ngài, Chúa Phục Sinh như chìa khóa mở cửa thiên dàng cho chúng ta vào hưởng nhan thánh Chúa uy nghi sáng láng.
Có những ngôi mộ lạnh tanh không hoa nến, không nhang khói vì người thân của họ không còn ở nơi đây, nhưng họ không bị lẻ loi nhờ có những thân nhân hàng xóm cũng cắm hương, nến và hoa.
ó ngôi mộ đặc biệt không thân nhân, nhưng lại được nhiều người quan tâm đó là ngôi mộ “thai nhi”. Những con người vô tội đã bị giết khi còn trong trứng nước.
Cha chánh xứ Phaolô, trong bài giảng, cũng nhấn mạnh: Hãy cầu nguyện nhiều cho những người mẹ đã giết con mình, những người mẹ trẻ có khi phá thai hai ba lần, và chúng ta cũng cầu nguyện cho các thai nhi.
Sau khi quý cha ban phép lành cuối lễ, trong khi cha chánh xứ Phaolô cất kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính để cho cộng đoàn đọc theo, thì 6 cha đem nước phép đi rảy trên từng ngôi mộ, tất cả mọi người lúc này hướng về các phần mộ và cầu nguyện nhiều cho các linh hồn.
Thánh lễ đã xong, ai nấy ra về, tạm biệt người thân nằm lại nghĩa trang này, thương tiếc kẻ ra đi, và cầu nguyện nhiều cho họ. Nguyện xin Chúa là Cha nhân từ thương đến các linh hồn. Và trong tâm tư mỗi người còn nhiều suy tư, còn nhiều lắng đọng: “Nay người mai tôi”. “Sau khi chết, tôi sẽ đi về đâu?”




• Sinh Hoạt Giáo Xứ




TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGÔN SỨ

11/12/14 THỨ NĂM TUẦN 2 MV
Th. Đa-ma-sô I, giáo hoàng
Mt 11,11-15
 "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.  (Mt 11,11)
Suy niệm: Tại sao Gio-an Tẩy Giả quan trọng như thế trong thời gian trông đợi Chúa đến? Thánh Kinh cho biết, Gio-an Tẩy Giả là tiên tri sau cùng thời Cựu Ước tiên báo Đấng Cứu Thế đến. Ông cũng là người mở đầu cho một thời đại ngôn sứ mới trong Tân Ước, thời đại của những người biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế và được mời gọi làm chứng cho Chúa Giê-su qua những lời họ loan báo và cuộc sống của họ. Nói tóm lại, những gì được loan báo trong Cựu ước, Gio-an Tẩy Giả làm chứng chúng đã được hoàn tất trong Chúa Giê-su Ki-tô và những gì hoàn tất nơi Chúa Giê-su, những ngôn sứ mới phải công bố như Gio-an Tẩy Giả đã thực thi. Vì thế, khi đề cập đến vai trò quan trọng của Gio-an Tẩy Giả trong mùa Vọng, Hội Thánh nhắc nhở cho mỗi chúng ta rằng, chúng ta là những ngôn sứ của thời đại mới, những người tiếp tục những gì Gio-an Tẩy Giả đã bắt đầu để loan báo Chúa Giê-su. Cuộc sống, lời nói và hành động của chúng ta phải làm chứng cho sự kiện siêu việt Chúa Giê-su vẫn đang đến với thế giới hôm nay. Qua đời sống đức tin, chúng ta là những Gio-an Tẩy Giả hôm nay. Mọi việc chúng ta làm, việc lớn, việc nhỏ, từ những việc công khai hay âm thầm, đều phải có sức lôi cuốn người khác đến với Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Hát: “Trời cao hãy đổ sương xuống…”


Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Thánh Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời

WGPSG -- Thánh Lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời .Trước bàn thờ có các di ảnh của Đức Chân Phước Giáo hoàng Gioan Phaolo II và các vị chủ chăn là ân nhân của Giáo xứ: Đức cố TGM Phaolo Nguyễn Văn Bình, Cha cố Giuse Vũ Súy Ba, Cha Cố Giuse Maria Vũ Tiên Tiến, Cha cố Giuse Nguyễn Toàn Công, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Huỳnh. 
Hôm nay là ngày đặc biệt, ngày tết của 499 hài cốt đang được đặt tại giáo xứ. Các hũ hài cốt này đã được di chuyển lên nhà thờ xếp thứ tự chung quanh cung thánh, xen kẽ là hoa và nến lung linh. Gần 1.500 giáo hữu tham dự Thánh lễ hôm nay cũng nguyện cầu cho các đẳng linh hồn, thân nhân, ân nhân đã ra đi trước và đang được chôn cất ở đất nghĩa trang của giáo xứ tại Bình Chánh. 
Trong bài giảng hôm nay Cha chủ tế nhấn mạnh lời hứa của Chúa Giêsu với người trộm lành: “Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (x. Lc 23,33.39-43) 
Cha chủ tế cũng diễn giảng: Mối tương quan giữa người còn sống và người đã qua đời không ở phòng hài cốt, cũng không ở nghĩa trang nhưng ở trong trái tim của mỗi người. Không chỉ ngày hôm nay mà suốt tháng 11 này Giáo Hội mở kho tàng ân sủng của Thiên Chúa để người còn sống có cơ hội lãnh nhận và trao tặng cho những người thân yêu đã ra đi trước. Mọi người sốt sắng khẩn khoản nài xin Chúa tha thứ hình phạt,và sớm đưa các đẳng linh hồn về hưởng nhan thánh Chúa. 
Sau khi Cha chủ tế ban phép lành cuối lễ, tất cả đèn điện trong nhà thờ đều được tắt hết, những ngọn nến bên cạnh các hài cốt lung linh tỏa sáng tạo một không khí linh thiêng. Quý Cha cùng cộng đoàn dân Chúa đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin Kính cầu cho các đẳng linh hồn. 
Thánh lễ kết thúc, mọi người cùng lắng đọng, thầm thì dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa để nói lên lòng hiếu thảo với các bậc tiền nhân. Mọi người đều tin tưởng vào lòng từ bi khoan dung của Chúa, tin tưởng vào lời hứa của Chúa: “Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Gx. Thánh Phaolô: Lễ cầu cho các Linh hồn



Xin"click" lên hình để xem các hình trong album này
·         Sinh Hoạt Giáo Xứ


LỜI CHÚA BỔ SỨC CHO TÂM HỒN

10/12/14 THỨ TƯ TUẦN 2 MV
Mt 11,28-30
Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.  (Mt 11,29) Suy niệm: THĐ Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa năm 2008 cho biết các tín hữu ít hiểu biết và ít đọc Lời Chúa. Phải chăng vì Chúa nói những lời “chói tai quá”? Hay vì người ta sợ Lời Chúa đòi hỏi triệt để quá? Quả thật, Lời Chúa như “lửa hồng và như cái búa đập vỡ tảng đá” (Gr 23,29), “sắc bén hơn gươm hai lưỡi; thấu tận nơi phân cách linh hồn và tinh thần, đến tận xương tủy” (Dt 4,12). Lời Chúa không cho phép người nghe thỏa hiệp, đi nước đôi, nhưng phải chọn lựa quyết liệt và hoán cải đến cùng. Những đòi hỏi này đã khiến nhiều người bỏ cuộc như chàng thanh niên giàu có. Nhưng cũng có những người trung kiên như Phê-rô xác tín rằng, đó là “lời ban sự sống.” Về phần mình, Mẹ Ma-ri-a đã giữ tất cả Lời Chúa và suy niệm trong lòng. THĐ Giám Mục nhắc nhở “mỗi nhà cần có cuốn Kinh Thánh, gìn giữ cẩn thận và xứng đáng, đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh; gia đình phải đề ra những hình thức và kiểu mẫu giáo dục cầu nguyện, huấn giáo, học hỏi về việc sử dụng Kinh Thánh, để các thanh niên thiếu nữ, người già cùng trẻ em lắng nghe, hiểu, chúc tụng và sống Lời Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa “xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con, vì Lời Chúa là sức sống của đời con.”



Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

CHÚA MUỐN MỌI NGƯỜI ĐƯỢC CỨU ĐỘ


09/12/14 THỨ BA TUẦN 2 MV
Th. Gio-an Đi-đa-cô
Mt 18,12-14
Cũng vậy, Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.(Mt 18,14)
Suy niệm: Mùa Vọng là thời gian ta sống mãnh liệt hơn tâm tình chờ đợi Chúa đến. Thật ra, trong mùa Vọng, ta cử hành ba cuộc Chúa ngự đến. Chúa đã đến cách đây hơn 2000 năm; Chúa sẽ đến trong vinh quang của ngày cánh chung; và Chúa đang ngự đến tâm hồn ta cách huyền nhiệm. Tâm tình chờ đợi, khát mong ấy đong đầy hy vọng, vì Chúa “không muốn cho một ai” phải hư mất. Chính vì niềm hy vọng này, là niềm-hy-vọng-đáng-tin, nên dù đêm hay ngày, vui hay buồn, cơ cực hay thịnh vượng, người tín hữu đích thực luôn phải vững lòng cậy trông. Sự thất vọng không có chỗ trong con tim của Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn tìm kiếm những con chiên lạc, vác đưa về đàn. Ngài luôn mời gọi ta hãy đến với Ngài để được Ngài “nâng đỡ bổ sức cho.” Nói cách khác, nhờ Chúa đỡ nâng mà không ai có thể dễ dàng bị hư mất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã dựng nên con, cho con được sống, được vui, được cậy vào lời Chúa hứa. Xin đừng để con phải thất vọng, dù con là kẻ tội lỗi. Amen.



Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

XIN VÂNG

08/12/14 THỨ HAI TUẦN 2 MV
Đức Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội
Lc 1,26-38
Bấy giờ bà Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.  (Lc1,38)
Suy niệm: Nếu Chúa bảo: “Này con, con làm kỹ sư,” con thưa: “Xin vâng”. Và “Này con, con làm linh mục,” con thưa: “Xin vâng.” Hai tiếng “xin vâng” ấy là vâng có điều kiện, có nghĩa vụ và quyền lợi thuộc về tôi nhiều hơn. Hai tiếng “xin vâng” của Mẹ hôm nay thì khác. Qua hai tiếng ấy Mẹ đặt mối quan hệ của mình và Thiên Chúa trong mối quan hệ thấp cao: Mẹ chỉ là nữ tỳ, còn Thiên Chúa là Đấng Tối Cao. Vì vậy, Mẹ xin vâng không điều kiện, không mặc cả. Mẹ trao toàn thân để Chúa có thể làm bất cứ điều gì nếu Chúa muốn dù có đau thương Mẹ vẫn một lòng trung tín. Cho nên, Chân Phước mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Nếu có gì thuộc về tôi, tôi sẽ có toàn quyền sử dụng nhưng tôi thuộc về Chúa, nên Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn”.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm, Mẹ luôn lắng nghe, thi hành Lời Chúa và kết hiệp với Ngài. Xin Mẹ giúp con sống như Mẹ mỗi ngày bằng việc siêng năng đọc và thi hành Lời Chúa hầu tâm hồn luôn sạch mọi tội để được Chúa ở cùng con. Amen.

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

TIỀN HÔ CỦA ĐẤNG KI-TÔ

07/12/14 CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV – B
Mc 1,1-8
 Khởi nguyên Tin Mừng Ðức Yêsu Kitô Con Thiên Chúa.
 Như đã viết trong (sách) tiên tri Ysaya:Này ta sai thần sứ Ta đi trước mặt ngươi
kẻ sẽ dọn đường cho ngươi. Tiếng của ngươi hô trong sa mạc:
Hãy dọn đường Chúa,hãy bạt lối Người đi.
 Trong sa mạc, Yoan Tẩy Giả xuất hiện rao giảng thanh tẩy hối cải, để được tha thứ tội khiên. Và cả xứ Yuđê và tất cả dân thành Yêrusalem trẩy dấn với ông và nhờ ông thanh tẩy cho trong sông Yordan mà xưng thú tội lỗi.
Yoan mình mặc áo lông lạc đà và ngang lưng thì thắt xiêm bằng da thú vật, và ông nuôi mình bằng châu chấu và mật ong dại.  Ông rao giảng rằng:" Sẽ đến sau tôi, Ðấng quyền thế hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống mà cởi quai dép Ngài. Phần tôi, tôi đã thanh tẩy các người bằng nước; còn Ngài, Ngài sẽ thanh tẩy các người bằng Thánh Thần"  (Mc 1,2-8)
Suy niệm: Thánh Gio-an Tẩy Giả được xem như bản lề của thời Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước loan báo về ông: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con… Có tiếng người hô trong hoang địa…” Tân ước giới thiệu ông là vị Tiền Hô, đi trước dọn đường cho Đức Ki-tô qua việc “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được tha tội. Ông làm phép rửa bằng nước, nhận chìm hối nhân trong nước; đồng thời cũng loan báo phép rửa của Đức Ki-tô sẽ nhận chìm hối nhân trong ân huệ của Chúa Thánh Thần. Vị Tiền Hô xuất hiện với hình ảnh ấn tượng: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Với cuộc sống khắc khổ, lời rao giảng thẳng thắn, thái độ khiêm tốn, ông đã hoàn thành sứ vụ của mình: dọn lòng dân Chúa và rồi giới thiệu Đấng Cứu Thế cho dân.
Cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, mà chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh” (Chúa nhật II MV).



Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

VÔ ĐIỀU KIỆN

06/12/14 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN I MV
Th. Ni-cô-la, giám mục
Mt 9,35-10,1.6-8
Dọc đường hãy rao giảng rằng; Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. ( Mt 10,7-8)
Suy niệm: Mùa Vọng là dịp thuận tiện để chúng ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì chúng ta có, những gì được hưởng, để thấy tất cả những điều đó chúng ta đều được “cho không”. Con Thiên Chúa Nhập Thể, đem Nước Trời đến cho nhân loại, chúng ta được hưởng mà đâu cần phải có điều kiện gì (sức khỏe, tài năng, của cải, địa vị ...), chỉ có mỗi việc là chúng ta đón nhận Ngài và sống đúng với những gì Ngài đã nói và đã làm, như thế chúng ta đã là công dân của Nước Trời rồi. Ý thức được điều đó, chúng ta cũng hãy bắt chước Ngài để diễn tả hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta. Một hình ảnh “cho không” sẽ lay động biết bao tâm hồn đang trông chờ được thuộc về Nước Thiên Chúa. Vậy là chúng ta đã làm cho “Nước Cha trị đến” từ chính việc cho đi vô điều kiện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa tự nguyện đến với chúng con và đã cho chúng con có thời gian để sống và làm chứng cho giá trị của Nước Trời. Xin thêm lòng can đảm cho chúng con để biết chúng con biết 'cho đi mà không tính toán'. Amen.

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

ĐƯỢC THÚC ĐẨY RAO GIẢNG

05/12/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Mt 9,27-31
Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: "Coi chừng, đừng cho ai biết!" Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng. (Mt 9,30-31)
Suy niệm: Theo dõi câu chuyện Chúa Giê-su chữa hai người mù này, chắc hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên về chi tiết trên đây. Chúa Giê-su đã nghiêm giọng yêu cầu họ giữ kín sự việc, thế nhưng ngay lập tức hai người này đã rêu rao cho cả làng biết! Có một lực nào đó thúc đẩy và họ không cưỡng lại được, đến nỗi họ đành phải ‘bất tuân phục’ cái mệnh lệnh duy nhất mà Đức Giê-su, vị đại ân nhân của họ, đã truyền cho họ. Ta ngạc nhiên, nhưng ta không khó hiểu, vì sự việc đã diễn ra đúng lôgic của nó. Khi người ta cảm nhận được một niềm vui quá đỗi lớn lao, người ta không thể không chia sẻ niềm vui ấy cho người khác. Đây chính là điều mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói đến trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Nếu chúng ta đã nhận được tình yêu có sức đem lại ý nghĩa cho cuộc sống mình, làm sao chúng ta có thể không chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác" (số 8).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con cảm nghiệm niềm vui được Chúa cứu thoát, để con cũng được thúc đẩy loan báo hồng ân cứu độ của Chúa cho mọi người. Amen.