Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

THA THỨ ĐẾN VÔ CÙNG


06/03/18 THỨ BA TUẦN 3 MC
Mt 18,21-35
Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là phải tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22)
Suy niệm: Để chứng minh việc tha thứ “đến bảy mươi lần bảy” chẳng những là có thể mà còn là điều bắt buộc, Chúa Giê-su đã dạy dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót”. Sở dĩ “tên đầy tớ độc ác” kia không thể tha nợ cho bạn mình vì quả tim anh ta quá bé mà đồng tiền – hay nói rộng ra, việc người khác xúc phạm đến anh – đối với anh lại quá lớn; và con người anh lại quá nghèo nàn trần trụi đến nỗi anh phải đòi cho được 100 quan tiền mà bạn nợ anh để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn anh. Còn Thiên Chúa là Chủ Tể cả vũ trụ, sự xúc phạm của chúng ta dù có lớn gấp mấy lần món nợ 10.000 nén vàng kia cũng chẳng làm suy giảm sự thánh thiện vô cùng của Ngài. Thế nên, tha thứ cho tha nhân đến vô cùng là điều có thể, bởi vì ta đã trở nên giàu có nhờ nhận được sự tha thứ vô cùng của Thiên Chúa. Đồng thời tha thứ cũng là điều kiện: nếu ta không tha thứ cho nhau thì nếu đã được Thiên Chúa tha thứ, ta cũng sẽ bị Ngài rút lại ơn tha thứ đó.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.


Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

“BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG”!


05/03/18 THỨ HAI TUẦN 3 MC
Lc 4,24-30
Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24)
Suy niệm: Trong dân gian vẫn phổ biến câu ngạn ngữ: “Bụt nhà không thiêng”. Lý do quan trọng dẫn đến tình trạng đó là do “tính quen thuộc” của “bụt nhà”: quen quá hóa nhàm! Trường hợp Chúa Giê-su không là ngoại lệ, Ngài cũng bị chính những người đồng hương chối từ. Họ “quen” Chúa quá nên không thể mở lòng đón nhận sứ điệp và ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giê-su. Cần phải nhận ra rằng có thể có những điều mình chưa biết, có thể có những điều mình biết sai; nhờ đó có một cái nhìn đột phá, một bước nhảy vọt ra khỏi vỏ cứng của chính mình và nhận ra được mầu nhiệm của Thiên Chúa, đón nhận được chân lý cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, hôm nay con đến với Chúa mang theo mọi tật nguyền tội lỗi của đời con. Xin Chúa thương xót và chữa lành con. Amen.


Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

SỐT SẮNG THAM DỰ PHỤNG VỤ


04/03/18 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – B
Ga 2,13-25
“Nhưng đền thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.” (Ga 2,21)
Suy niệm: Đền thờ Giê-ru-sa-lem là nơi thiêng thánh tối cao, là đền thờ duy nhất của người Do-thái để thờ phượng Thiên Chúa. Thế nhưng, nơi thánh thiêng đó đang thành nơi họp chợ. Thấy cảnh tượng đó, Chúa Giê-su đã nổi giận, Ngài xô đổ bàn ghế, lấy dây làm roi xua đuổi những người buôn bán đó ra khỏi đền thờ. Khi người Do thái chất vấn Chúa lấy quyền nào mà làm những điều đó, Ngài bảo: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” Đền thờ Ngài muốn nói đến ở đây là Thân Thể phục sinh của Ngài. Chúa Giê-su cho biết nền thờ phượng của Cựu Ước giờ đây được thay thế bằng việc thờ phượng mới của Tân Ước, mà của lễ hiến tế mới là chính thân thể Ngài sẽ bị giết chết và rồi sẽ phục sinh. Nhờ đó Thân thể của Đức Ki-tô phục sinh trở nên một Đền Thờ mới để phụng thờ Thiên Chúa. Chúa Giê-su là hy lễ đồng thời Ngài là tư tế, và là đền thờ mới cho nhân loại tôn thờ Chúa Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, mỗi lần con tham dự thánh lễ, xin Chúa thêm đức tin cho con để con nhận ra Chúa, nghe tiếng Chúa và cùng với Chúa chúc tụng, tạ ơn Chúa Cha. Amen.

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

LÒNG THƯƠNG XÓT: CHUẨN MỰC CỦA THIÊN CHÚA


03/03/18 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Lc 15,1-3.11-32
Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” (Lc 15,2)
Suy niệm: Xã hội nào cũng có những chuẩn mực đạo đức để định hình ứng xử của con người và duy trì sự ổn định trong xã hội. Thế nhưng những chuẩn mực đó sẽ trở thành lớp vỏ hình thức cứng nhắc khi có ai đó cho rằng mình đã “đạt chuẩn,” để rồi lấy mình làm chuẩn đánh giá và bắt người khác rập theo cái chuẩn của mình. Khi các kinh sư và người Pha-ri-sêu ngày hôm nay xầm xì với nhau về Chúa Giê-su vì Ngài “đón tiếp những người tội lỗi và đồng bàn với chúng” hẳn họ ngầm ý rằng nếu là họ, họ đã không làm như thế, và bằng cách gián tiếp họ mới đúng chuẩn là người công chính. Bằng một dụ ngôn thật xúc động, Chúa Giê-su không phủ nhận họ là người tội lỗi nhưng Ngài cho thấy Thiên Chúa có chuẩn mực khác: chuẩn mực của lòng thương xót như người cha luôn rộng lòng mở đón người con hoang đàng trở về.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lòng thương xót của Chúa bờ bến, nhưng chúng con mãi chưa nhận ra nên chúng con vẫn sống trong tội lỗi, vẫn chìm đắm trong sự giả dối, giả hình để lừa cả chính bản thân mình. Xin cho chúng con nhìn ra sự thật bản thân mà bước đi trong đường lối ánh sáng và sống trong Lòng Thương Xót Chúa. Amen.


Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

SINH LỢI CHO NƯỚC CHÚA


02/03/18 THỨ SÁU TUẦN 2 MC
Mt 21,33-43.45-46
“Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,43)
Mời Bạn: Chúa Giê-su thật là một nhà giáo và là nhà giảng thuyết bậc thầy. Để vạch trần âm mưu tàn độc của giới chức lãnh đạo Do Thái, vừa mở lối mời gọi họ hối cải, Chúa dùng dụ ngôn với những nhân vật và sự kiện làm hình ảnh biểu trưng giúp người nghe hiểu và nhận ra chính mình trong đó. Qua dụ ngôn ông chủ vườn nho và những tá điền hung ác, Chúa Giê-su thúc bách mỗi người chúng ta tự vấn: Trong vườn nho của Chúa là Giáo Hội, liệu chúng ta có là những tá điền tốt, hay hơn nữa, là người con hiếu thảo biết cộng tác chăm sóc xây dựng vườn nho Giáo Hội của Chúa, hay ngược lại, chúng ta là những tá điền hung ác âm mưu phá hoại, chiếm đoạt vườn nho Chúa và còn hành hung giết hại những người được Chúa sai đến? Khi nhận ra những tội lỗi của mình đã bị Chúa vạch trần, chúng ta có thành tâm hoán cải hay tiếp tục cứng lòng, vô cảm trước lời mời gọi của Chúa? Với cái nhìn đức tin, chúng ta nhận ra rằng mình là những tông đồ được Chúa sai đi cộng tác và sinh lợi cho Nước Chúa trong thời đại hôm nay. Chúng ta đã thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng như thế nào?
Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Soi.